Chào mừng bạn đến với Blog K9(1984-1988)-Đại Học Tài Chính Kế Toán Tp.HCM- Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Khi bị người khác hiểu lầm thì phải làm như thế nào?

Bị người khác hiểu lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống thường ngày của mỗi người. Nếu như thế, thì chúng ta cần phải làm gì khi bị người khác hiểu lầm?


Đừng giải thích con người bạn với bất cứ ai !

Những hiểu lầm ấy thường khiến ta cảm thấy oan ức, oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào, đây là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc.

Đức Phật đã chỉ thẳng rằng tất cả mọi việc do chúng ta tự tạo ra và sự tạo dựng lớn nhất của chúng ta là tạo ngôi nhà ngũ ấm và tạo ngục tù tam giới, từ đó phát sinh tất cả khổ đau của mọi người trên thế gian này. Nếu bị người khác hiểu lầm, hãy nhẹ nhàng và từ từ nhìn nhận vấn đề rồi giải quyết, đừng nên làm lớn chuyện hoặc đi quá xa câu chuyện xảy ra.

Dưới đây là một số lời khuyên của Phật đối với người hiểu lầm ta.

Bị người khác hiểu lầm, phải làm sao?

Khi bị người khác hiểu lầm, ai cũng muốn giải thích, nhưng khi ấy, không nói gì lại là một loại độ lượng.
Sự tình thật hay giả, thời gian sẽ cho câu trả lời tốt nhất.

Bị người khác làm tổn thương, phải làm sao?


Không nói là một loại thiện lương.
Tình cảm ấm áp hay lạnh lẽo, thời gian sẽ cho minh chứng tốt nhất.

Bị người chửi bới, bôi nhọ, gièm pha, phải làm sao?


Không nói là một loại hàm dưỡng.
Nhân phẩm của một người thật sự là tốt hay xấu, thời gian sẽ làm sáng tỏ.

Bị người vu cáo, vu oan, phải làm sao?

Đừng để ý hay quan tâm quá tới điều đó, bởi vì đã có Đạo trời.
Đạo trời vốn không phân biệt thân quen, rất công bằng. Qua vài năm nhìn lại, bạn sẽ thấy rõ được kết cục ra sao.

Sống trên đời, gặp bất kể chuyện gì cũng không cần phải vội vã biện bạch thanh minh. Điều gì cũng không cần phải vội vàng đi bộc lộ hết, nói hết.

Người xưa nói, một người để học được nói chuyện chỉ cần vài năm, nhưng hiểu được cần im lặng lại phải mất vài thập kỷ.

Độ cao của cuộc đời, không phải là ở việc người ta có thể thấu tỏ bao nhiêu sự tình mà là ở việc người ta có thể xem nhẹ bao nhiêu sự tình.

Độ rộng của tâm hồn không phải thể hiện ở việc người ta có thể quen biết được bao nhiêu người mà là ở việc họ bao dung được bao nhiêu người.

Khi chúng ta làm người:

- Làm người phải giống như núi, nhìn được vạn vật mà cũng bao dung được vạn vật.
- Làm người phải giống như nước, có thể tiến thoái, biết lúc nào nên tiến lúc nào nên lui.
- Làm người chấp nhận chịu thiệt thì sớm muộn cũng sẽ được hồi báo, cuối cùng cũng sẽ không bị thiệt…
- Làm người nếu bằng lòng chịu thua thì cuối cùng cũng sẽ không bị đánh mất tự tôn mà còn giành được lòng người.

Bạn nên nhớ rằng: "Sự tức giận là axit có thể gây hại cho vật chứa nó nhiều hơn là những gì mà nó được đổ lên" vì vậy hãy bình tĩnh và cố gắng giải quyết bằng những lời đối đáp khôn ngoan mà Đức Phật đã truyền dạy, đừng quá tức giận để làm mọi chuyện rối hơn.

Phong Linh
Nguồn tại đây

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Dòng Camillô : Những tu sĩ mang thánh giá đỏ

Biểu tượng thánh giá đỏ ngay giữa ngực áo chính là dấu hiệu để nhận ra những tu sĩ thuộc dòng Camillô (dòng Tá viên mục vụ bệnh nhân). Với lựa chọn đem niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ người đau bệnh, hoạt động phục vụ tha nhân của các linh mục, tu sĩ trong dòng chủ yếu liên quan đến y tế.


Cha Thánh Camillô de Lellis (người Ý)

TẤM LÒNG VỚI BỆNH NHÂN

Nhắc đến các tu sĩ dòng Camillô, nhiều người vẫn vui tính gọi đây là “dòng bệnh viện”. 25 năm hiện diện của dòng tại Việt Nam là một quá trình gắn bó với những cảnh đời đau ốm, cần sự giúp đỡ. Hiện nay, dòng có gần 80 thành viên, phần lớn đã và đang tham gia giúp đỡ người nghèo và người bệnh ở các trung tâm từ thiện, phòng khám, bệnh viện. Chính vì vậy, khi gia nhập dòng, các tu sinh được khuyến khích theo học các lĩnh vực có liên quan đến chăm sóc sức khỏe để có thể đồng hành và giúp đỡ bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Con đường đến trường y, nghề y với những tu sĩ Camillô như một ơn gọi đặc biệt. Các mái ấm, phòng khám từ thiện của dòng được mở ra không chỉ là nơi thực hành nghề nghiệp mà còn là chốn thực hành yêu thương của các tu sĩ.

Chúng tôi tìm đến nhà chính của dòng Camillô trong một con hẻm nhỏ trên đường Tam Châu, Thủ Đức, trong một buổi chiều muộn cũng vừa ngay lúc nhà tất bật nhất bởi những chuyến xe đón bệnh nhi ung thư từ Bệnh viện Ung bướu và bệnh nhi suy thận từ Bệnh viện Nhi đồng trở về. Cơ sở của nhà dòng không quá bề thế nhưng nơi đây vừa là chỗ ăn ở, học tập, sinh hoạt của các cha, các tu sĩ; vừa là mái ấm mang tên Gary dành cho nhiều bệnh nhi cùng phụ huynh của các em. Cha bề trên Giuse Trần Văn Phát chia sẻ, ngoài nhà chính kiêm mái ấm, dòng còn có một số cơ sở khác cũng đang gánh cả hai chức năng: “Đơn giản bởi chọn lựa phục vụ cho bệnh nhân nên mọi xây dựng cơ sở của dòng cũng chỉ hướng làm sao tiện lợi cho những đối tượng cần tương trợ. Mọi ưu tiên đều dành cho người đau yếu”.

Các tu sĩ Camillô phục vụ bệnh nhân tại phòng khám Nhân đạo Kinh 7

CHỐN YÊU THƯƠNG

Nói về các cơ sở bác ái của dòng cũng như những “địa chỉ vàng” về bác ái mà dòng cộng tác, cha Phát nhớ lại cả một chặng đường dài với những cơ duyên và chọn lựa “theo ý Chúa”. Trong đó, Mai Tâm (Thủ Đức) là cơ sở đầu tiên dòng tham gia vào công tác bác ái xã hội, bắt đầu hoạt động vào năm 2005. Địa chỉ này ra đời nhằm giúp đỡ, cưu mang và chăm sóc các trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Sau nhiều năm hoạt động, mái ấm trở thành gia đình của gần 100 em có hoàn cảnh đặc biệt, từ sơ sinh cho đến 22 tuổi. Ở đây, các em được chăm lo về dinh dưỡng, sức khỏe, có điều kiện học hành. Mẹ của các bệnh nhi cũng được các cha, thầy, bác sĩ tư vấn và cung cấp những kiến thức giúp ngăn ngừa lây truyền HIV, được hỗ trợ học nghề (may, thủ công mỹ nghệ…) để tự nuôi sống bản thân. Những vết thương tâm hồn của bệnh nhân trước những kỳ thị, hờn tủi do HIV phần nào được xoa dịu, niềm tin vào cuộc sống được phục hồi nhờ những cánh tay luôn rộng mở của các tu sĩ Camillô. Cơ sở bảo trợ xã hội Mai Tâm dù nhỏ bé, khiêm tốn nằm ở một con hẻm nhỏ nhưng đã trở thành nơi nương tựa của biết bao mảnh đời.

Ngay sau mái ấm Mai Tâm, dòng mở thêm mái ấm đặt tên là Naza vào năm 2006. Đây là nơi nuôi dưỡng, chữa bệnh và nâng đỡ đời sống tâm linh cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS ở giai đoạn cuối. Công việc của người phục vụ ở Naza dù lắm vất vả song suốt nhiều năm, mái ấm này không hề khép cửa, khép lòng trước những cảnh đời đau khổ. Có những con người đã ra đi mãi mãi sau một thời gian dài được chăm sóc, nhưng họ đã được nâng đỡ tận tình cả phần thể xác lẫn tâm hồn đến những giây phút cuối đời.

Bữa ăn chung của các bệnh nhi cùng các thầy ở mái ấm Gary

NHỮNG CHUYẾN XE TÌNH THƯƠNG

Khi mở rộng thêm hoạt động, mái ấm Gary trở thành nhà chính của dòng, là nơi hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho trẻ em nghèo mang bệnh ung thư hoặc những bệnh hiểm nghèo khác, cùng với thân nhân đang gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị. Ngoài ra, dòng cũng tổ chức những chuyến xe tình thương đưa đón từ mái ấm vào bệnh viện và ngược lại. Mỗi ngày, các thầy theo xe đưa bệnh nhân đến viện từ sớm và đến chiều thì đứng chờ sẵn ở viện để thu xếp giúp các trường hợp sẽ ở lại viện hoặc về mái ấm. Chuyến xe bữa đầy bữa vơi vì các bé có thể phải nằm lại để vô hóa chất, phẫu thuật... Nhưng đều đặn mỗi ngày, chiếc xe quen thuộc cùng các tu sĩ vẫn đúng giờ đứng đợi. Đây là một dự án từ thiện xã hội của dòng với sự cộng tác của các bạn bè thân hữu.

Theo cha Giuse Vũ Anh Hoàng, phụ trách tại nhà Gary:“Mục đích của mái ấm là tạo nên môi trường thân thương của gia đình để khơi dậy lại trong tim trẻ đang mang bệnh hiểm nghèo niềm tin và hy vọng vào cuộc sống”. Những căn phòng luôn sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi cho bệnh nhi và những bữa cơm nóng sốt dành cho trẻ sau khi xạ trị và hóa trị cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt luôn được chăm chút. Song song đó, nhu cầu cơ bản của trẻ như vui chơi, giáo dục và các hoạt động tinh thần khác cũng được chú trọng. Do bệnh nặng và phải điều trị dài ngày, các em phải nghỉ học, thiếu bạn, nên mái ấm có các anh chị em tình nguyện viên tổ chức những hoạt động cho trẻ như đọc, viết, vẽ, hát… Chị Chung Kim Tiên, 42 tuổi, quê tận Cà Mau, có con phải chạy thận chia sẻ: “Tôi ở nhà của dòng tính ra 2 năm rồi. Ăn ở, đi lại đều được giúp dù gia đình tôi không theo đạo Chúa. Suốt 2 năm con chạy thận nằm viện nhiều hơn ở nhà, nếu không có sự tương trợ này không biết mẹ con tôi phải xoay sở như thế nào nữa...”.

Những căn phòng sạch sẽ thoáng mát các tu sĩ Camillô dành cho bệnh nhân cần lưu trú

Nhà dòng còn điều hành hai phòng khám từ thiện, nhân đạo tại Sài Gòn. Phòng khám Camillô được thành lập vào năm 2006 tại đường Lê Văn Sỹ - Q3, là nơi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Sau đó, cơ sở dời về nhà thờ Đồng Tiến (Q10) và đổi tên thành phòng khám từ thiện Mai Khôi - Đồng Tiến. Mở cửa từ 16-19g các ngày trong tuần, mỗi ngày phục vụ khoảng 50- 60 bệnh nhân. Đang chờ đến lượt khám, bà Nguyễn Thị Mai (40t), một người gốc miền Trung cho biết: “Phòng khám này rất tốt, các cha, thầy và bác sĩ đều rất nhiệt tình. Dù đã cuối ngày, nhiều mệt mỏi song họ vẫn nhẹ nhàng, lắng nghe bệnh nhân”. Phòng khám từ thiện Mai Khôi (đường Hai Bà Trưng, Q3.) cũng là địa chỉ lâu năm giúp tư vấn, khám bệnh, chuyển gởi bệnh nhân tới các cơ sở, và phát thuốc đặc trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Xa xôi tận Kiên Giang, người tu sĩ Camillô cũng đã phục vụ từ nhiều năm nay tại phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7. Phòng khám này phục vụ bệnh nhân nghèo trong khu vực với số lượng bệnh nhân mỗi ngày hiện nay khoảng từ 200 đến 250 người...

Cứ thế, ở giữa những nhộn nhịp của chốn phố thị, người tu sĩ mang thánh giá đỏ vẫn kiên trì sống theo linh đạo, ra sức phục vụ trong tinh thần nhân ái, hy sinh.

Cha Thánh Camillô de Lellis (người Ý)

Dòng Camillô được thánh Camillô de Lellis (người Ý) sáng lập năm 1582 nhằm phục vụ những người nghèo khổ đau yếu. Linh đạo của dòng là : “Chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”.

Qua các cơ sở y tế xã hội, người tu sĩ Camillô luôn hết mình trong việc quan tâm đến sức khỏe, chữa trị, nâng đỡ và phục vụ người bệnh, người bị bỏ rơi trong xã hội. Năm 1591, Tòa Thánh chính thức công nhận vai trò của dòng. Tại Việt Nam, dòng bắt đầu hiện diện vào năm 1993.

Nguồn : Hoa Xương Rồng

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Ủi an người bệnh nơi các xứ đạo

Việc đỡ nâng những người ốm đau, bệnh tật ở các giáo xứ dường như chưa bao giờ bị xao lãng …


Người bệnh trong thánh lễ cầu cho bệnh nhân

1.Nâng đỡ ủi an phần xác cho bệnh nhân

Tại giáo xứ Chợ Quán, TGP.TPHCM, phòng y tế, phục vụ khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân ở mé phải khuôn viên thánh đường. Nhiều năm nay, phòng khám nhỏ này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của anh chị em giáo dân, chữa trị theo hai phương pháp Tây y và Đông y.

Giáo xứ Đa Minh Ba Chuông, TGP.TPHCM cũng có phòng y tế nằm trong dãy nhà thuộc Trung tâm mục vụ giáo xứ. Bất cứ lúc nào, người bệnh đến đây cũng đều được tiếp nhận và chăm sóc ân cần bởi các tu sĩ y sĩ thuộc dòng Đaminh. Phòng y tế cấp thuốc miễn phí cho bà con, hỗ trợ điều trị các bệnh nhẹ thông thường và sơ cứu ban đầu đối với trường hợp nghiêm trọng. Là di dân tham gia sinh hoạt tại giáo xứ, anh Nguyễn Phúc Vinh cho biết: “Giáo xứ có chỗ cho người đau yếu nghỉ ngơi và giúp đỡ nhiều trường hợp bệnh tật, nhất là những khi nguy cấp”.

Để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, có giáo xứ còn xây dựng các phòng khám, kết hợp mời các bác sĩ, lương y đến điều trị. Bệnh xá từ thiện Kênh 7, Tân Hiệp - Kiên Giang là một hình ảnh tiêu biểu. Khai sinh vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX tại giáo xứ Thánh Giuse (GP Long Xuyên), do linh mục Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh khởi xướng, qua thời gian phát triển đến nay, các thế hệ bác sĩ đã chữa lành và giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ lương y, bác sĩ tại đây thuộc nhiều tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài.

Ở giáo xứ Đồng Tiến (TGP.TPHCM), phòng khám từ thiện Mai Khôi là điểm đến quen thuộc của nhiều người. Gắn bó với phòng khám hai năm nay, bác sĩ Đoàn Thị Vệ chia sẻ: “Ngoài thời gian tại bệnh viện, các bác sĩ quy tụ về đây để chăm sóc sức khỏe cho giáo dân trên tinh thần thiện nguyện, phục vụ miễn phí”. Mở cửa từ 16 -19g các ngày trong tuần, phòng khám mỗi ngày phục vụ khoảng 50 - 60 bệnh nhân. Ông Trần Đức Minh, giáo dân xứ Đồng Tiến chia sẻ: “Phòng khám nơi đây quen thuộc với nhiều giáo dân, riêng tôi ngày thường đi nhà thờ đọc kinh, xem lễ, sau đó phụ giúp các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân”.

Cũng vậy, cơ sở khám bệnh tại giáo xứ Phú Trung, TGP.TPHCM lâu nay đã trở nên mái nhà thân thương cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người nhiễm H.

Caritast GP Xuân Lộc tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe

2. Nâng đỡ ủi an phần hồn cho bệnh nhân

Người bệnh còn cần thêm những giây phút tâm tình, ủi an. Ông Vinhsơn Phạm Đình Tín, Trưởng Ban thăm viếng bệnh nhân xứ Vườn Xoài, TGP.TPHCM cho biết: “Tôi tham gia ban này đến nay đã hơn 17 năm, mỗi lần có ai đó trong xóm đạo đau yếu, cần đi bệnh viện hay mời cha đến xức dầu, anh chị em trong nhóm đều nhiệt tình đáp ứng. Trong tháng, chúng tôi luôn dành thời gian đến thăm hỏi các bệnh nhân. Phục vụ anh em là làm cho chính Chúa mà!”. Cũng tại xứ đạo này, vào mỗi thứ năm hằng tuần có chương trình “Bữa cơm tình thương” dành cho mọi đối tượng, trong đó ưu tiên cho bệnh nhân và người nghèo. Ngoài ra, những phần quà như đường sữa, gạo… cũng được đại diện hội đoàn, các giáo khu trao đến tận tay người bệnh hằng tháng và các dịp lễ lớn.

Đến giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang, TGP.TPHCM, chúng tôi cũng được nghe kể về sự quan tâm của các hội đoàn dành cho người bệnh. “Vào các dịp lễ, giáo xứ ghé thăm và tặng quà. Hằng tháng, cha xứ thăm hỏi, trò chuyện rồi ban phép lành”, bà Phạm Thị Lan, 69 tuổi, một bệnh nhân khoe.

Một buổi khám bệnh từ thiện tại giáo xứ Hiệp Hòa - Gp Long Xuyên

Không chỉ chăm lo người bệnh trong xứ, một số nơi còn tổ chức những chuyến đi ủy lạo người bệnh nghèo ở những vùng xa. Caritas xứ Tân Việt (TGP.TPHCM) thường xuyên đi thăm trại phong, trại tâm thần, thăm người già yếu neo đơn. Caritas xứ Vinh Sơn 6 (Tân Bình) mỗi năm hai lần thăm viếng và trao quà cho bệnh nhân nghèo. Caritas giáo xứ Phú Hạnh (TGP.TPHCM) tổ chức nuôi heo đất trợ giúp người bệnh khó khăn, người khuyết tật, ngoài ra còn quan tâm về phần thiêng liêng như đọc kinh, cầu nguyện…

Trong ngày cầu cho bệnh nhân 11.2 vừa qua, các giáo xứ đã tổ chức dâng thánh lễ xin ơn cho người bệnh. Với các bệnh nhân không thể đến nhà thờ sinh hoạt, các cha trao Mình Thánh Chúa và cử hành nghi thức xức dầu bệnh nhân tại nhà riêng hoặc bệnh viện.

Để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, nhiều ban Caritas giáo xứ, giáo phận đã tổ chức những khóa bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng cho từng thành viên. Khắp các giáo phận, các ban Caritas, hội chăm sóc bệnh nhân cũng thường xuyên mở các khóa học tập nhằm nâng cao chất lượng.

Việc chăm sóc bệnh nhân ở những xứ đạo là một công việc mục vụ ý nghĩa ngày càng được nhiều người nhiệt tình tham gia.

LUÂN NGUYỄN
Nguồn: Công Giáo & Dân Tộc

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

“Sai lầm lớn nhất” của Bill Gates hay lòng tham không đáy của tỉ phú công nghệ?

Bill Gates – vị tỉ phú công nghệ đã quá nổi tiếng thế giới – đã thừa nhận rằng "sai lầm lớn nhất" của mình và Microsoft là không làm cho tập đoàn phần mềm máy tính số 1 thế giới này trở thành một nền tảng di động như Android để từ đó nắm trong tay thị trường smartphone ngoại trừ phần của Apple.


Bill gates

Tất nhiên chẳng vì sự thừa nhận "sai lầm lớn nhất" này mà người ta đánh giá rằng Bill Gates bất tài, và càng không thể vì sự thừa nhận này mà cho rằng Microsoft kém cỏi hơn Apple hay Google, Facebook.

Trên thực tế, tới thời điểm này, Microsoft vẫn sừng sững "riêng một góc trời" về hệ điều hành Windows và phần mềm Office dành cho máy tính cá nhân. Không chỉ thống lĩnh mà Microsoft còn khiến người dùng cá nhân và doanh nghiệp phải lụy vào mình. Vài năm trở lại đây, Microsoft còn lớn mạnh lên ở mảng điện toán đám mây đặc biệt là phân khúc dành cho doanh nghiệp.

Thực ra thì sự thừa nhận của Bill Gates cho thấy ông quá cầu toàn, hoặc vì lúc này ông không còn bận bịu công tác quản lí điều hành nên thỉnh thoảng dành chút thời gian "gặm nhấm" dư vị thành quả vàng son mà không mấy ai làm được như ông?

Nói đúng hơn, đó là một sự thừa nhận sai lầm chỉ càng khiến cho hình ảnh Bill Gates dù gần gũi nhưng lại càng trở nên vĩ đại hơn mà thôi.

Nhưng đồng thời, sự thừa nhận đó cũng bộc lộ vị tỉ phú công nghệ từng nhiều lần là người giàu nhất hành tinh này cũng có một lòng tham vô đáy, tất nhiên là gắn với khát khao xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ mới chinh phục người dùng.

Khi tôi đọc qua những "sai lầm" được ông thừa nhận, chợt nảy ra câu hỏi: Vậy nếu ông và Microsoft không "sai lầm" thì các đối thủ của ông chắc hẳn sẽ không còn đất sống. Microsoft đã thống lĩnh ở lĩnh vực hệ điều hành Windows và phần mềm Office cho máy tính, nếu ông còn không "sai lầm" - đồng nghĩa là thành công trong việc xây dựng một nền tảng di động, liệu còn ai chịu nổi với Microsoft? Hay nhìn ở một góc độ khác, lúc đó với thế mạnh gấp bội và tập trung trong tay cả hai nền tảng số 1 cho máy tính và cả di động, có khi nào chính người dùng sẽ trở thành nạn nhân của ông và Microsoft, vì sẽ bị ép uổng và không có lựa chọn nào khác?

Bài học thấm thía đối với người dùng là đừng bao giờ để cho duy chỉ một công ty mạnh lên gần như nắm thế độc quyền ở bất cứ lĩnh vực nào. Bởi khi ấy, người dùng tưởng được phục vụ nhưng kì thực lại bị ép uổng, tưởng được miễn phí nhưng kì thực lại bị khai thác triệt để, như cách người ta đang dùng Facebook, YouTube hiện nay. Cứ đụng chuyện và bị hai "ông lớn" này xử đi mới thấy hết cái phận khốn khổ của thân phận "thượng đế" của các "ông lớn".

Có thể người dùng trong rất nhiều trường hợp "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa". Người dùng không lọt vào tay của Microsoft với một nền tảng di động thành công thì cũng rơi vào tay của Google với hệ điều hành Android. Nhưng dù thế vẫn hơn là phụ thuộc tất tần tật vào một Microsoft. Google với Android còn có dự án mã nguồn mở, ngoài những phiên bản tính phí bản quyền cũng có phiên bản miễn phí cho tất cả các bên sử dụng; trong khi Microsoft bao năm qua, chẳng có tí gì là miễn phí, song quan trọng hơn là với một hệ thống đóng kín bưng sẽ rất khó phát triển cởi mở tạo ra một hệ sinh thái phong phú, sinh động và đầy tiện ích cho người dùng.

Chính vì thế mà khi ông - Bill Gates - thừa nhận "sai lầm lớn nhất", tôi lại thấy may và thấy vui. Nếu ông không sai lầm, thế giới nền tảng dành cho máy tính và di động sẽ do ông và Microsoft thao túng tất. Một thế giới đơn cực, một thị trường bị tập trung kinh tế ở vị thế độc quyền thì đã quá rõ những hệ lụy của nó sẽ tiêu cực tới đâu đối với người dùng.

Tham vọng nắm hết mọi thứ, có thể che hết mọi thứ, có lẽ như một thuộc tính của những người sáng tạo và kinh doanh vĩ đại như Bill Gates. Có lẽ chúng ta đang thấy thấp thoáng tư duy này trong dự án tiền ảo Libra của Facebook do tỉ phú công nghệ trẻ Mark Zuckerberg điều hành. Không có gì là đủ với họ. Với Mark thì đang độ tuổi trẻ sung sức và nhiều đam mê, nhiệt huyết và sức bật; song với người đã "về hưu" như Bill Gates cũng chưa dứt hết những tham vọng dù có thể lòng tham lúc này không hẳn vì yếu tố tiền tài hay làm giàu mà có lẽ vì sự chinh phục, thống lĩnh thì đúng hơn.

Chả có sự thành công nào mĩ mãn hết 100% mà không có chút hối tiếc. Trường hợp này đúng với cả vị tỉ phú nắm trong tay khối tài sản tròm trèm cả trăm tỉ USD như Bill Gates. Nhưng suy cho cùng, đó là một sự hối tiếc đẹp đẽ của một con người đã làm nên một sự nghiệp vĩ đại cống hiến cho loài người, thúc đẩy loài người phát triển về trí tuệ và xã hội phát triển về sự tiện ích và tính giải pháp giải quyết trong công việc.

Bill Gates, ông hãy cứ thừa nhận "sai lầm" và hãy cứ hối tiếc, để người dùng còn có nhiều sự lựa chọn khác ngoài Microsoft.

Dạ Thảo
Nguồn tại đây