Chào mừng bạn đến với Blog K9(1984-1988)-Đại Học Tài Chính Kế Toán Tp.HCM- Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện dị tượng “tuyết rơi tháng 6” và nỗi oan thiên cổ của nàng Đậu Nga

"Câu chuyện về nỗi oan Đậu Nga khiến cho người đời phải suy ngẫm về bản thân mình."

Khi nhắc đến dị tượng “tuyết rơi tháng 6”, người ta không thể không liên tưởng ngay đến câu chuyện huyền thoại được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc, tuyết rơi tháng 6 thường báo hiệu oan tình.

Nội dung của câu chuyện:

Khi Đậu Nga hàm oan bị giải đến pháp trường, trước lúc hành hình, tên tham quan hỏi Đậu Nga rằng cô còn có lời nào muốn nói nữa không?

Đậu Nga trả lời: “Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao trăm thước, nếu như tôi bị oan, một giọt máu nóng cũng sẽ không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia; nếu như tôi bị oan, đầu rơi xuống đất, trời liền sẽ có tuyết rơi lả tả; nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết trời sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.

Tham quan đó lắc đầu lia lịa, chế giễu: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”, lòng nghĩ thầm: “Mùa hè Tháng 6 oi bức như thế này sao lại có tuyết rơi được chứ? Xưa nay, người ta chỉ thấy máu chảy xuống đất, ta lại muốn xem thử máu sao lại có thể bay lên trên được?”

Thế là ông lệnh cho người ta lấy một dải lụa trắng dài ba thước treo lên cây sào cao.

Tên đao phủ vừa vung đao xuống, một dòng máu nóng của Đậu Nga giống như kỳ tích đã bắn lên dải lụa trắng treo ở giữa không trung, ngay cả một giọt cũng không rơi xuống đất. Khi đầu của Đậu Nga bị chặt đứt, quả nhiên gió lớn nổi lên, tuyết bay khắp trời.

Trước đó không lâu, mọi người còn ướt đẫm mồ hôi, vậy mà giờ đây chỉ trong nháy mắt, người nào người nấy ôm đầu rụt cổ chạy về nhà, miệng không ngừng nói là “chuyện lạ, chuyện lạ”.

Sau khi Đậu Nga chết, quả thật là trời đã hạn hán 3 năm, không trồng trọt thu hoạch được gì. Người dân vùng đó đều biết rằng ông trời đang lên tiếng bất bình thay cho Đậu Nga vậy.

Mấy năm sau, phụ thân của Đậu Nga thi đậu bảng vàng, trở thành quan lớn. Khi trở về quê nhà, ông đã phúc thẩm lại vụ án của Đậu Nga, xử trảm Trương Lư Nhi và tên tham quan, rửa sạch nỗi oan khuất cho con gái.

Bà con trong làng lũ lượt kéo đến viếng thăm phụ thân nàng, nói: “Từ đầu chúng tôi đã biết Đậu Nga bị oan, chỉ tiếc là chúng tôi đều sợ quyền thế của tên tham quan đó, nên chỉ dám hận chứ không dám nói ra, nhưng mà chúng tôi lại không hề hãm hại Đậu Nga, cớ sao lại phải chịu nạn hạn hán trong suốt 3 năm này chứ?”.

Phụ thân của Đậu Nga đáp: “Các ông đã biết rõ Đậu Nga là bị oan, vậy mà lại không dám nói một lời công đạo, đó gọi là bất nghĩa. Còn có những người tin tưởng tham quan, cho rằng Đậu Nga thật sự là hung thủ giết người, rồi miệt thị những người lương thiện, đó gọi là bất nhân. Trời cao có mắt, không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa vậy!”.

Chọn lựa thiện ác, quyết định phúc họa đời người

Câu chuyện này muốn nói với người sau rằng: Con người sống ở thế gian nhất định cần phải phân rõ thị phi, giữ vững chính nghĩa, không đứng về phe của tà ác, như vậy mới có được sự bảo hộ của ông trời. Khi tai nạn ập đến, mới có thể không bị liên lụy.

Vì vậy rất nhiều lúc cảm thấy một số sự việc phát sinh vốn không hề có liên quan gì với bản thân mình, nhưng khi những sự việc đó xuất hiện, phản ứng khi bạn nghe thấy, nhìn thấy, chọn lựa trong tư tưởng, lại có thể phân chia ra chiều hướng trong lòng mỗi người. Đó cũng chính là sự lựa chọn giữa thiện và ác.

Dù là gì đi nữa, những biểu hiện thời tiết bất thường như thế này đều không phải là điều tốt lành. Bởi vậy cho nên, trong bất kỳ tình huống nào, đều nên giữ cho mình thiện niệm, thiện ác tất có báo ứng, người tốt sẽ luôn được trời cao che chở, có thể vượt qua được kiếp nạn trong gang tấc.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Mời xem bộ phim Trung Quốc về nàng Đậu Nga tại đây



Tinh Hoa - nguồn tại đây

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về vị thiền sư và con bọ cạp


Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối.Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bò cạp.

Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa.

Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”.

Ông thản nhiên trả lời: “Chích là thói quen của con bọ cạp, giúp nó là thói quen của tôi”.

Đó chính là thói quen của lòng từ bi.

Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả. Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng ta muốn làm việc thiện, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được. Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kiên nhẫn mà làm nhiều việc thiện chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó.

Câu chuyện ngụ ý một điều rất sâu sắc: Học hạnh thì phải có đủ sức chịu đựng những chướng duyên; không phải chỉ có hai cú chích, có thể là 30 cú. Không chỉ bị chích ở tay, mà có thể cả mắt, đầu hay bất cứ chỗ nào. Nếu câu trả lời là không đủ sức thì hãy khoan học hạnh. Hãy huấn luyện tâm cho thật vững chãi rồi hãy học hạnh.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Nguồn tại đây

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về cô hoa khôi kém sắc


Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đa đứng ra nói mọi người rằng: “Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng, ‘hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!’”.

Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.

Cảm ngộ: Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.

Mời xem clip câu chuyện này tại đây (Youtube) hoặc tại đây (Google Photo)



Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: Câu chuyện về nhà sư và chú tiểu

Thầy nói: “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông, 
 thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”.

Một chú tiểu đi cùng với sư thầy của mình. Họ đến bên dòng sông nước chảy xiết. Một phụ nữ trẻ đẹp đang bước tới lui trên bờ sông, trông cô rất buồn.
“Có chuyện gì thế?”, sư thầy hỏi.
“Tôi lo lắng quá. Cha tôi đang ốm nặng, tôi cần băng qua sông để đến thăm cha nhưng cây cầu gãy rồi. Thầy có biết cây cầu tiếp theo nằm ở đâu không?”, cô gái đáp.
“Ồ, cách đây cả dặm cơ, nhưng đừng lo. Tôi có thể đưa cô qua sông”, sư thầy trả lời.
Cô gái cảm kích, chấp nhận sự giúp đỡ, và sư thầy cõng cô đi qua bờ sông bên kia, đặt cô xuống rồi chào từ biệt.
Chú tiểu rất bất bình trước chuyện vừa diễn ra. Chú biết nhà sư không được phép đụng chạm nữ giới, nên chú nổi giận vì sư thầy đã vi phạm giới luật. Chú cứ ấm ức giày vò vì chuyện này suốt đường đi. Cuối cùng, không chịu nổi nữa chú đành nói toạc ra với sư thầy.
Khi sư thầy nghe xong lý do khiến chú tiểu bực bội thì bật cười lớn. Thầy nói “Ta đã đặt người phụ nữ xuống khi sang đến bờ sông bên kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”.

Tích truyện nhỏ này nhắc nhở chúng ta về sự buông bỏ tham ái – hãy đặt chúng xuống, không tiếp tục mang vác chúng nữa. Nó cũng dạy cho ta bài học trực quan sinh động rằng khi ta làm theo trái tim mình – không phải làm theo “khát khao” của mình – thì bản năng thâm hậu đích thực luôn chỉ dẫn ta về hướng cốt tinh của Phật pháp, tức là tâm từ… khiến cho đôi lúc chúng ta phải phá luật.

Nhưng đâu là điều đúng đắn cần làm: phá luật để thực hiện một hành động yêu thương với người lạ trong cơn nguy biến, hay tuân thủ luật định đúng sách vở và để mặc họ đau khổ? Làm theo tiếng nói nội tại – bản năng yêu thương – hay lắng nghe sự thúc giục “phải” và “buộc phải” bắt nguồn từ sự chỉ trích đáng sợ sâu thẳm bên trong ta?

Mời xem clip trên Youtube tại đây , trên Google Photos tại đây



Nguồn tại đây

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Nhân sinh cảm ngộ: "Câu chuyện về hai người bạn"

"Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi."

Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một cuộc tranh luận, và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị và đã tát vào mặt người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh kia không nói gì, chỉ viết lên cát: "Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã tát tôi".

Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một miếng kim loại khắc lên đá: "Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi."

Người kia hỏi: "Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá?" Anh ta trả lời: "Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian. Nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người."

Vậy, nếu một ngày giữa chúng ta xảy ra xung đột, hãy làm theo cách trên nhé, viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát, khắc ghi những yêu thương lên đá để chúng còn mãi với thời gian. Để mỗi ngày trong chúng ta sẽ mang một ý nghĩa rất riêng, và ta sẽ luôn mỉm cười khi nghĩ đến những gì mình đã từng trao nhé !