Chào mừng bạn đến với Blog K9(1984-1988)-Đại Học Tài Chính Kế Toán Tp.HCM- Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Hai cách thức tạo ra nhân quả: Người khôn xây cầu, kẻ dại dựng tường

Xây cầu cho người khác, cũng chính là mở đường cho bản thân. Càng xây nhiều cầu, con đường của bản thân càng dễ đi. Người ngu dốt dựng tường, chặn đứng vận khí của người khác, cũng chặn đi ánh Mặt trời của chính bản thân mình.


Người khôn xây cầu, kẻ dại dựng tường.

Cây cầu là sự kết nối, tường là sự ngăn cách. Xây thêm một cây cầu, có thể thêm một con đường. Dựng thêm một bức tường, giảm đi một con đường. Kẻ tự cô lập sẽ cách ly với người khác; người mở lòng tiếp nhận người mới có thể như biển chứa trăm sông.

Triết gia Vương Dương Minh từng nói: “Thành tâm thành ý suy nghĩ vì thiên hạ, sau này mới có bản lĩnh để đứng vững trong thiên hạ”. Dưới góc nhìn của Vương Dương Minh, điều quan trọng nhất chính là chữ chân thành. Chỉ có sự đối xử chân thành, thì con đường nhân sinh mới có thể rộng rãi khoan thai.

Người thông minh xây cầu

Sự bất đồng giữa đất liền và sông ngòi đã tạo lên vô số những cách biệt. Người thông minh sẽ xây cầu nối liền hai nơi, để bản thân có thể thuận tiện đi lại.

Cây cầu là phần mở rộng và kết nối của con đường, có cầu thì đường xá mới thuận lợi. Xây cầu cho người khác, cũng chính là mở đường cho mình, xây thêm vài cây cầu cho bản thân, tìm kiếm thêm sự giúp đỡ và lối tắt, con đường càng dễ đi.

Thêm một người bạn thêm một con đường, kết giao một người bạn như xây một cây cầu, nhiều bạn có thể vượt đèo lội suối, ít bạn thì mỗi bước đi đều khó khăn. Sự giao thiệp giữa người với người, sự phức tạp của tình cảm và lợi ích cũng tạo ra hàng loạt mâu thuẫn. Xây dựng những cây cầu giữa tầng lớp mâu thuẫn đó là một loại trí tuệ, cũng là một loại tu hành.

Vương Dương Minh khi vừa đến Long Trường, bị người địa phương tấn công, họ coi Vương Dương Minh và đồng đảng là kẻ xâm nhập, tìm mọi cách gây nguy hại. Nhưng ông không oán hận vì điều đó, ngược lại còn giúp đỡ người địa phương xây nhà cửa, chỉ dẫn họ đọc sách, làm nông. Những người này trước giờ chưa từng gặp quan viên nào thân thiện như vậy, mau chóng trở nên thân thiết với Vương Dương Minh.

Sau đó Vương Dương Minh sáng lập Tâm học, bắt đầu truyền đạo, họ trở thành những tín đồ trung thành nhất của Vương Dương Minh, tuyên truyền khắp nơi, truyền bá học thức và nhân đức của ông. Học thuyết của Vương Dương Minh tạo ra được một làn sóng ở Quý Châu, cũng một phần do công lao của những người này. Cũng vì lý do đó, danh tiếng của Vương Dương Minh ngày càng tăng lên, mới có được cơ hội xuất sơn.

Phật gia thích nói về nhân quả. Nhưng những gì mọi người nhìn thấy đều chỉ là thiện có thiện báo, ác có ác báo, mà không thấy được phúc duyên mà mỗi người tích góp trong cuộc sống hàng ngày.

“Bồ Tát giảng nhân, phàm nhân giảng quả”. Cao nhân thực sự, càng phải coi trọng nhân. Vương Dương Minh nói: “Khắp nơi đều là thánh nhân”. Dù là quan viên học giả, tiểu thương…, trong mắt của ông, đều là người tốt. Ông luôn cố gắng hết sức dùng thiện ý để đối đãi với mọi người.

Mà sự báo đáp dành cho mỗi người, đều đến từ những điều vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày. Có những người gặp phải khó khăn, luôn có quý nhân lập tức đến tương trợ, chính là vì đã từng kết thiện duyên. Vì vậy hôm nay kết duyên, chính là sự chuẩn bị cho việc gặp phải hoạn nạn trong tương lai.

Sự báo đáp dành cho mỗi người, đều đến từ những điều vụn vặt trong cuộc sống.

Con đường nhân sinh phải trân quý những người bên cạnh, có những người khi làm việc, đơn độc lẻ loi một mình, khó đạt được thành tựu to lớn; có người làm việc, giỏi trong việc mượn lực, hợp mưu hợp sức, cuối cùng có được gặt hái không tầm thường chút nào.

Trồng dưa gặt dưa, trồng đậu gặt đậu, thành bại trong thế gian có nhân có quả. Lương thiện với mọi người, đối đãi lễ phép, cuộc sống đương nhiên sẽ báo đáp, vận may cũng tự nhiên mà đến.

Kẻ ngu dựng tường

Xây cầu là kết phúc duyên, dựng tường là kết ác duyên. Mỗi người đều không phải là một hòn đảo cô độc, mọi người đều có sự liên kết với nhau.

Tường là xung đột, là trở ngại. Người xưa nói: “Lời không được nói hết, tích khẩu đức, việc không được làm đến cùng, giữ lại đường lui”. Hiểu biết người khác cũng không nên nói hết lời, giữ lại ba phần cho họ, cũng giữ lại khẩu đức cho mình. Trách móc người khác cũng không nên quá nghiêm khắc, giữ lại ba phần cho họ, cũng là giữ lại sự độ lượng cho mình.

Nói năng không giữ khẩu đức, làm việc không để lại đường lui, chính là đang dựng tường. Thêm một người bạn thêm một con đường. Nếu một người có quá nhiều kẻ địch, con đường sẽ càng khó đi, dần dần, không còn đường đi. Oan gia nên giải không nên kết, thuận tiện cho người, cũng là thuận tiện cho mình.

Dựng tường, hay là tính toán, là khôn khéo, là vạch ra kế hoạch đối phó người khác, dùng mọi cách tính toán để dựng lên bức tường trong tâm, ngăn cản sự tín nhiệm giữa người với người. Tính toán một lần, được lợi một lần, nhưng sẽ mãi mãi mất đi một người bạn, tạo ra một kẻ địch.

Những người khôn khéo nhất lại thường dựng tường, nhưng cuối cùng lại hại chính bản thân, người ta thường nói: “Từ trước đến nay, người rước họa vào thân đa số là những kẻ tự cho mình thông minh, rất ít thấy những người chân thật chất phác gặp phải tai họa”. Con người e rằng không thể thông minh đến cực điểm, đây chính là lý do tại sao họ ‘ngu ngốc’.

Có một vị thiền sư đến làm khách ở một nhà phú ông. Phú ông than phiền rằng bản thân không có bạn bè, thiền sư và phú ông nói chuyện một hồi, hiểu được tâm thái của phú ông, liền chỉ ra cửa sổ, nơi đó rèm cửa đóng kín. Phú ông không hiểu nghĩa là gì, thiền sư bèn nói: “Nếu như ngài muốn người khác nhìn vào, tại sao còn lắp rèm cửa? Nếu như ngài không muốn người khác nhìn, tại sao còn làm cửa sổ?”.

Phú ông trầm ngâm, bèn hỏi lại: “Vậy tôi nên làm thế nào?”. Thiền sư nói: “Ngài nên để người khác nhìn vào, phải thường xuyên kéo rèm cửa sang một bên”. Rèm cửa mãi không mở ra, cũng thành một bức tường, thành tường trong tâm, ngăn trở sự thấu hiểu lẫn nhau, giảm đi cơ hội trở nên thân mật.

Phó Lôi từng nói: “Một người chỉ cần chân thành, có thể khiến người khác cảm động, dù rằng người ta có thể nhất thời không hiểu, sau này sẽ hiểu. Trong cuộc đời tôi khi làm bất cứ điều gì, điều đầu tiên là phải thành thật, điều thứ hai là phải thành thật, thứ ba cũng là thành thật”.

Tính toán càng nhiều càng khiến người khác nghi ngờ, thay vì giở thủ đoạn, chi bằng hãy quang minh chính đại. Chỉ cần chân thành và khiêm nhường, giữa người với người sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề to tát.

Xây cầu cho người khác, cũng chính là mở đường cho bản thân. Càng xây nhiều cầu, con đường của bản thân càng dễ đi. Người dại khờ dựng tường, chặn đứng vận khí của người khác, cũng chặn đi ánh Mặt trời của chính bản thân mình.

Tinh Hoa
Nguồn tại đây

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Ở đời có 8 loại ân tình nhất định phải 'khắc cốt ghi tâm'

Chẳng ai có thể tự mình làm nên tất cả, trong cuộc đời của mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa, cha mẹ và nhưng người xung quanh.


Ở đời có 8 loại ân tình nhất định phải 'khắc cốt ghi tâm'

Ơn sinh dưỡng của tạo hóa

Ngay từ khi sinh ra, từng hơi thở của chúng ta đã gắn liền với mẹ tự thiên. Cơm ăn, nước uống, ánh nắng mặt trời và quy luật vận hành của các bộ phận trong cơ thể… có điều gì là chúng ta tự mình làm được đây?

Ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài sẵn như vậy nên đôi khi coi đó là điều hiển nhiên và mặc nhiên hưởng thụ. Thế rồi đến khi gặp khó khăn, trắc trở, dầm mình những ngày mưa gió, bão bùng, ở thời điểm sóng gió ập đến, nhiều người lại mở lời oán hận số phận bất công, trách móc ông Trời “không có mắt”.

Những phong tục tế tự thần linh, Trời Đất xưa nay đều đang nhắc nhở con người nhớ tới ơn dày của tạo hóa.

Nếu luôn biết nhớ ơn cuộc sống, nhớ ơn Thần linh luôn che chở, nâng đỡ mình trước những nguy nan, kiếp nạn, người ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, bình yên và hạnh phúc sâu thẳm trong lòng mình.

Các bậc Thánh nhân, dẫu là ở phương Đông hay phương Tây thì đều chung một ý niệm và nguyện ước con người hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tính, biết chăm lo cho mọi người xung quanh.

“Ở hiền gặp lành” ,“Có đức mặc sức mà ăn” chính là lời nhắc nhở truyền đời của lớp tiền bối. Học cách cảm ơn mẹ thiên nhiên chính là cách một người đang hướng thiện và sống vị tha hơn.

Ơn dưỡng dục của cha mẹ

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đại ơn của cha mẹ cả đời cũng báo đáp không hết. Cha mẹ không cần chúng ta phải cung phụng vật chất đủ đầy, chỉ mong chúng ta luôn bình yên, hạnh phúc.

Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ trải qua những giây phút vượt cạn gian nan nhất. Mang nặng đẻ đau là vậy, những hiểm nguy và lưỡi hái tử thần luôn cận kề bên mẹ.

Mẹ có thể chịu đựng nỗi đau thắt lòng, bất chấp hiểm nguy chỉ mong sinh mệnh bé nhỏ, yếu ớt của con có thể bình yên chào đời. Cha phập phồng lo lắng, từng phút từng giây bất chợt trở nên dài đằng đẵng như hàng thế kỷ. Tới khi nghe thấy tiếng con oa oa chào đời, nhìn thấy hình hài con lành lặn cha mẹ mới có thể yên lòng.

Nhưng thử thách cam go, dồn dập ấy mới chỉ là màn mở đầu. Những ngày tháng sau đó cha mẹ còn phải tổn hao tâm sức nhiều hơn. Nửa đêm khuya khoắt cho con bú mớm, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Những khi con lên cơn sốt hay khó chịu trong người, cha mẹ lại thấp thỏm, ruột gan nóng bừng như lửa đốt.

Từng ngày con lớn lên là từng ngày cha mẹ dành bao tâm huyết dưỡng dục, chỉ bảo từng lời ăn tiếng nói, từng ánh mắt nụ cười. Ngay cả khi con đã lớn khôn thành người cha mẹ vẫn không ngớt đợi mong.

Ánh mắt cha mẹ cứ mãi dõi theo bóng dáng của các con, dẫu con có đi tới chân trời góc bể, bay nhảy với sự nghiệp của mình hay đã yên bề gia thất, vui vầy cùng chồng tốt, vợ hiền.

Ngay cả khi cha mẹ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ nhưng tấm lòng đau đáu hướng về con chẳng khi nào nguôi ngoai. Dẫu thế nào thì con vẫn luôn là những đứa trẻ trong lòng cha mẹ. Có lẽ tới khi nhắm mắt xuôi tay, đôi mắt khép lại cha mẹ mới có thể thôi không lo lắng cho các con mình.

Hãy chăm sóc, trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ nhiều hơn một chút, mở rộng trái tim đón cha mẹ vào trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ có như vậy cha mẹ mới thực sự yên lòng và vui vẻ an hưởng tuổi già mà mỗi người cũng làm tròn được hiếu đạo của mình. Bởi vì “Bách thiện hiếu vi tiên”.

Ơn thầy cô dưỡng dục

“Không thầy đố mày làm nên“, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“, công ơn của thầy cô phải ghi lòng tạc dạ.

Từ những ngày đầu chập chững vào đời, các thầy cô đã dang tay đón nhận chúng ta vào lòng, dạy cho chúng ta từng con chữ, từng nốt nhạc, từng lễ tiết và đạo đức làm người. Lớp lớp các thầy cô luôn xuất hiện và nâng bước chân ta vào đời, từng bước từng bước một cách nhẫn nại.

Thầy cô dạy chúng ta cách chung sống với mọi người xung quanh, dạy kỹ năng nghề nghiệp, chắp cánh ước mơ cho chúng ta bay cao bay xa. Đôi khi vai trò giáo dục của thầy cô còn mang tính quyết định cuộc đời của bao thế hệ.

Ơn đề bạt tiến cử

Người ta thường nói, có tài mà không có đất dụng võ, ý nói dẫu văn võ toàn tài đến đâu nhưng nếu không có nơi triển hiện tài hoa, không thể làm việc có ích cho đời thì cũng chỉ có thể ngậm ngùi mang về cùng lòng đất mà thôi.

Vậy nên khi được người khác phát hiện, được người khác tiến cử giúp tài năng đang ngủ yên của mình được phóng ánh quang huy, lập công cùng trời đất thì ơn này không thể không ghi lòng tạc dạ.

Người phát hiện ra tài năng của bạn sẽ giúp bạn mở rộng cánh cửa tương lai bước trên một hành trình mới đầy hứa hẹn. Trên mỗi bước đường thành công của chúng ta có công sức của biết bao người.

Ơn chỉ đường mở lối

“Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống vốn đã mang trong mình quá nhiều bí mật thú vị và ẩn số khó lường. Khi bước trên chặng đường đời của mình, chúng ta khó tránh khỏi những lúc mê lạc, những khi bế tắc, những lúc bất lực, thở dài ngao ngán.

Có người thấy cô đơn, có người lại trầm uất, bất lực. Có người thì tìm quên trong làn khói thuốc của nàng tiên nâu, trong men rượu hay trong những dục vọng ái tình nhất thời của mình.

Lúc này nếu có người có thể chỉ ra phương hướng cho bạn, thổi bùng lên ngọn lửa tư tưởng của bạn, tháo gỡ những nút thắt trong tâm bạn giúp con đường phía trước của bạn đột nhiên trở nên sáng rõ, đoan chính, thậm chí mở ra một tương lai rạng ngời cho bạn thì ơn này cả đời bạn cũng không thể quên được.

Ơn chỉ đường mở lối này càng cần đền đáp muôn phần.

Ơn tương trợ lúc nguy cấp

Khi gặp lúc nguy nan, khi rơi vào cảnh cùng quẫn con người dễ thấy cô đơn và bất lực. Có thể vì vậy mà bạn sẽ bỏ dở giữa đường, hay chuyển sang một hướng khác. Thậm chí có thể còn gặp phải nhiều điều không may mắn và bất hạnh.

Lúc này nếu có người chung vai tương trợ, giúp bạn thoát khỏi đường cùng, bạn sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua, thêm động lực để bước tiếp, thêm niềm tin đi tới tận cuối con đường. Ơn này thật lớn biết bao!

Ơn dìu dắt của cấp trên

Trong công việc nếu gặp được cấp trên khoáng đạt, tấm lòng rộng rãi, không ganh ghét, đố kỵ với người hiền tài, vào thời khắc then chốt có thể đề bạt, tiến cử và mở rộng tiền đồ cho bạn thì ơn này chẳng thể nào quên.

Bạn thử nghĩ mà xem, nếu không có một cấp trên như vậy có thể sự nghiệp của bạn thật khó hanh thông, con đường quan lộ cũng chẳng thể có ngày thênh thang sải bước.

Ơn huynh đệ

Anh em cùng chung huyết mạch, chung giọt máu đào, anh em cùng chung nguồn cội, cùng sinh trưởng trong một gia đình, trải qua những thời khắc tuổi thơ ấm áp bên nhau, cùng là mầm xanh hy vọng của mẹ cha, anh em cùng mang trọng trách truyền thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình. Tình thân luôn quy về một mối.

Dẫu khi trưởng thành mỗi người đều bận rộn với gia đình nhỏ của riêng mình, dẫu không thể cùng hàn huyên ấm lạnh, cùng dốc bầu tâm sự về những việc lớn việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng sợi dây vô hình kết nối anh em chẳng thể nào tan biến.

Cũng khó tránh khỏi những khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, những khi bất đồng quan điểm, nhưng dù đi đâu, về đâu, dù cuộc sống bộn bề trôi đi từng ngày, thì tình anh em vẫn như mạch nước ngầm mát trong chảy mãi.

Huynh đệ tình thâm, ơn như thủ túc. Cũng có tình huynh đệ bị hủy hoại bởi tiền tài, quyền lợi, tình sắc. Nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, không thể không lấy làm gương.

Gia Đình Mới
Nguồn tại đây